Rối Loạn Lưỡng Cực: Nguyên Nhân, Triệu Chứng & Cách Điều Trị
phuongchinh-logo
Mục lục
  • Rối loạn lưỡng cực là gì?
  • Nguyên nhân rối loạn lưỡng cực
  • Di truyền
  • Cấu trúc & chức năng não
  • Các yếu tố liên quan khác
  • Các triệu chứng giai đoạn hưng cảm
  • Các triệu chứng giai đoạn trầm cảm
  • Thuốc
  • Tâm lý trị liệu
  • Thay đổi lối sống
  • Phương pháp điều trị khác

Rối loạn lưỡng cực

- Ngày đăng:09/03/2024
Rối loạn lưỡng cực là một chứng rối loạn tâm thần khiến người bệnh chuyển từ trạng thái tâm lý "cực kỳ vui vẻ" sang trạng thái tâm lý "buồn bã, thờ ơ" và ngược lại. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn về rối loạn lưỡng cực, bao gồm các triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị và cách đối phó với chứng bệnh này.
Mục lục
  • Rối loạn lưỡng cực là gì?
  • Nguyên nhân rối loạn lưỡng cực
  • Di truyền
  • Cấu trúc & chức năng não
  • Các yếu tố liên quan khác
  • Các triệu chứng giai đoạn hưng cảm
  • Các triệu chứng giai đoạn trầm cảm
  • Thuốc
  • Tâm lý trị liệu
  • Thay đổi lối sống
  • Phương pháp điều trị khác

Rối loạn lưỡng cực là gì?

Rối loạn lưỡng cực là một chứng rối loạn tâm thần đặc trưng bởi những thay đổi cực đoan của tâm trạng, hành vi và mức năng lượng. Khi mắc chứng rối loạn này, người bệnh có thể trải nghiệm những giai đoạn hưng cảm hoặc những giai đoạn trầm cảm. 

Trong giai đoạn hưng cảm, họ có thể cảm thấy phấn chấn, tràn đầy năng lượng và sáng tạo. Ngược lại, trong giai đoạn trầm cảm, họ có thể cảm thấy buồn bã, tuyệt vọng, mất hứng thú cũng như có thể gặp phải các vấn đề về giấc ngủ, ăn uống và đôi khi nghĩ đến việc tự tử. Nhìn chung, mỗi giai đoạn kéo dài từ vài tuần đến một vài tháng.

Rối loạn lưỡng cực là gì
Rối loạn lưỡng cực là những thay đổi bất thường về tâm trạng.

Nguyên nhân rối loạn lưỡng cực

Mặc dù nguyên nhân gây ra rối loạn lưỡng cực vẫn chưa được biết rõ, nhưng hầu hết các nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng cấu trúc chức năng não và di truyền có liên quan đến chứng bệnh này. Cụ thể:

Di truyền

Bệnh rối loạn lưỡng cực có khả năng di truyền thông qua một số gen, do đó người có cha mẹ hoặc anh chị mắc bệnh thì tỉ lệ mắc cao sẽ cao hơn người bình thường.

Cấu trúc & chức năng não

Một số thay đổi về cấu trúc não đã được quan sát thấy ở những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực. Những thay đổi này bao gồm thể tích não bị giảm, hoạt động bất thường của các chất dẫn truyền thần kinh và những thay đổi về kích thước và hình dạng của một số vùng não.

Các yếu tố liên quan khác

Căng thẳng quá độ, mất mát đau thương, lạm dụng rượu bia, ma túy cũng có thể góp phần gây ra rối loạn lưỡng cực.

Nguyên nhân rối loạn lưỡng cực
Lạm dụng chất kích thích có thể gây ra các triệu chứng rối loạn lưỡng cực.

Biểu hiện của bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực

Rối loạn lưỡng cực có thể biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau và các triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi người. Ở trẻ em và thanh thiếu, các triệu chứng rối loạn lưỡng cực có thể khó xác định.

Các triệu chứng giai đoạn hưng cảm

Giai đoạn hưng cảm sẽ gồm ba hoặc nhiều triệu chứng sau:

Bảng các triệu chứng giai đoạn hưng cảm
Triệu chứng  Mô tả chi tiết
Cảm xúc hưng phấn, vui tươi Trạng thái cảm xúc “lên cao”, tràn đầy hứng khởi.
Năng lượng dồi dào Cảm thấy có năng lượng lớn, tràn đầy sức lực.
Suy nghĩ nhanh, nhiều ý tưởng Đầu óc hoạt động rất nhanh, có nhiều ý tưởng và cảm hứng.
Nói nhiều và nhanh Có xu hướng nói nhiều, nói nhanh và khó tập trung khi giao tiếp.
Ít ngủ hoặc mất ngủ Trằn trọc khó ngủ hoặc không buồn ngủ, thậm chí bạn cảm thấy như không cần ngủ.
Thích rủ rê, giao lưu Cảm thấy thích giao lưu, kết bạn, thích được ở cùng người khác và thích tham gia vào các hoạt động xã hội.
Chỉ tập trung vào một việc duy nhất Quá tập trung vào một việc nào đó, đôi khi dẫn đến quên ăn, quên ngủ.
Dễ bị kích động, nóng nảy Dễ bị kích động, cáu giận vì những lý do nhỏ nhặt.

Các triệu chứng giai đoạn trầm cảm

Giai đoạn trầm cảm sẽ gồm năm hoặc nhiều triệu chứng sau:

Bảng các triệu chứng giai đoạn trầm cảm
Triệu chứng Mô tả chi tiết
Tâm trạng buồn chán, thiếu sức sống Cảm xúc trống rỗng, vô nghĩa, thiếu động lực, không còn hứng thú làm những việc mà mình yêu thích.
Mất sức sống Cảm thấy mệt mỏi, thiếu sinh lực, uể oải.
Suy nghĩ chậm chạp, không tập trung Đầu óc chậm chạp, thiếu tập trung, khó ghi nhớ, trí nhớ kém.
Nói chậm, rất khó nói nhanh Có xu hướng nói chậm và ậm ừ, giọng nói yếu ớt, hụt hơi và khó phát âm.
Đau đầu, đau người Đau đầu thường xuyên, đau khắp người, chán ăn, khó ngủ hoặc mất ngủ.
Cảm giác hoang mang, mất hướng Luôn cảm thấy lạc lõng, mất phương hướng và không có mục tiêu, không biết sống vì mục tiêu gì hoặc đang sống như thế nào.
Giảm cân hoặc tăng cân Đột nhiên tăng cân thấy rõ hoặc giảm sút cân rõ rệt.

Hậu quả của bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực

Nếu không điều trị, rối loạn cảm xúc lưỡng cực có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống. Người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống, căng thẳng, bồn chồn, hoang tưởng, cảm thấy tuyệt vọng, muốn tự tử, xu hướng cô độc, tách biệt,... Điều này làm cho hiệu suất học tập, làm việc kém, dễ vướng vào các vấn đề liên quan đến pháp lý, sử dụng ma túy, chất kích thích, làm bất hòa các mối quan hệ.

Chẩn đoán rối loạn lưỡng cực

Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra các triệu chứng thông qua cuộc trò chuyện lâm sàng, các bài kiểm tra, cũng như thu thập thông tin từ bệnh sử hoặc từ bản thân bệnh nhân hoặc người thân. Đồng thời, bác sĩ sẽ loại trừ khả năng rối loạn do sử dụng các chất kích thích.

Việc ghi chép biểu đồ tâm trạng hàng ngày cũng giúp bác sĩ hiểu rõ hơn về tình hình của bệnh nhân, từ tâm trạng đến giấc ngủ và phản ứng cảm xúc. Đồng thời hỗ trợ vào việc chẩn đoán, điều trị kịp thời cho bệnh rối loạn lưỡng cực.

Điều trị rối loạn lưỡng cực

Rối loạn lưỡng cực là một bệnh tâm thần kéo dài suốt đời, ảnh hưởng đến tâm trạng và hoạt động hàng ngày của người mắc. Người bị rối loạn lưỡng cực thường trải qua các giai đoạn hưng cảm cao và trầm cảm sâu. Những giai đoạn này có thể quay trở lại theo chu kỳ không đều. 

Các phương pháp điều trị chính cho chứng rối loạn lưỡng cực bao gồm có sử dụng thuốc, tư vấn tâm lý giúp kiểm soát các triệu chứng liên quan đến bệnh và duy trì sức khỏe tinh thần tốt hơn trong cuộc sống.

Thuốc

Có nhiều loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị rối loạn lưỡng cực như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc an thần,... Các loại có thể giúp kiểm soát các triệu chứng trầm cảm, hưng cảm, thay đổi tâm trạng, mất ngủ của bệnh và ngăn ngừa các đợt tái phát.

Trong quá trình sử dụng thuốc, bệnh nhân không nên tự ý đổi, ngừng thuốc hoặc tăng liều để hạn chế các tác dụng phụ không đáng có và làm nặng thêm tình trạng bệnh.

Tâm lý trị liệu

Liệu pháp tâm lý có thể giúp người bệnh hiểu rõ hơn về chứng rối loạn lưỡng cực của mình, học cách đối phó với các triệu chứng và phát triển các chiến lược để quản lý bệnh.

Điều trị rối loạn lưỡng cực
Tâm lý trị liệu sẽ giúp người mắc chứng rối loạn lưỡng cực hiểu rõ hơn về các vấn đề đang xảy ra và cách ngăn ngừa tái bệnh.

Thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống cũng có thể giúp cải thiện các triệu chứng của rối loạn lưỡng cực. Những thay đổi có thể bao gồm ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và tránh sử dụng chất gây nghiện.

Phương pháp điều trị khác

Ngoài trị liệu bằng thuốc, bác sĩ có thể áp dụng thêm một số phương pháp điều trị khác như:

  • Liệu pháp sốc điện (ETC): Sau khi gây mê, bác sĩ sẽ tiến hành kích điện và được giám sát chặt chẽ thông qua điện não đồ (EEG). Tác dụng của phương pháp này là làm thay đổi lưu lượng máu não, kích thích giải phóng hormone, chất dẫn truyền thần kinh,... giúp cải thiện các triệu chứng rối loạn lưỡng cực.
  • Kích thích từ xuyên sọ lặp đi (rTMS): Đây là một loại kích thích não sử dụng sóng từ để giảm trầm cảm. Ưu điểm của rTMS so với ETC là không gây mê toàn thân, ít ảnh hưởng tiêu cực đến trí nhớ, suy nghĩ.
  • Liệu pháp ánh sáng: Phù hợp cho người mắc chứng rối loạn lưỡng cực có các triệu chứng trầm cảm thay đổi theo mùa.

Đối phó với rối loạn lưỡng cực

Với rối loạn lưỡng cực, việc tuân thủ kế hoạch điều trị là rất quan trọng. Điều này có nghĩa là dùng thuốc thường xuyên theo chỉ dẫn của bác sĩ, tham dự các buổi trị liệu tâm lý và thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống lành mạnh. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên tránh sử dụng chất gây nghiện vì chúng có thể làm tình trạng của bệnh trở nên tồi tệ hơn.

Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.

Chia sẻ
messenger-iconzalo-iconphone-icon
Đã thêm vào giỏ hàng