Khô mắt
Bệnh khô mắt là gì?
Nước mắt có vai trò quan trọng trong việc duy trì độ ẩm và bảo vệ mắt khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường bên ngoài. Khi nước mắt sản xuất không đủ hoặc bay hơi nhanh, không dàn đều khắp bề mặt mắt khiến mắt bị khô, kích ứng và khó chịu.
Người già có nguy cơ mắc bệnh khô mắt cao hơn, điều này xảy ra do quá trình lão hóa làm giảm sản xuất nước mắt và các thay đổi về hormone trong cơ thể. Ngoài ra, người già cũng có thể bị bệnh khô mắt do sử dụng thuốc hoặc do mắc các bệnh lý liên quan.
Nguyên nhân khô mắt
Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra bệnh khô mắt, bao gồm:
- Tuổi tác: Bệnh khô mắt thường gặp hơn ở người lớn tuổi.
- Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh khô mắt cao hơn nam giới. Bởi do sự thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ có tác động đến tuyến lệ, tuyến Meibomian và bề mặt nhãn cầu.
- Bệnh lý về mắt: Viêm bờ mi mắt, rối loạn tuyến meibomian là những nguyên nhân phổ biến gây khô mắt.
- Bệnh lý toàn thân: Một số bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, lupus, bệnh tuyến giáp, bệnh tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh khô mắt.
- Thuốc: Một số loại thuốc có thể làm cho mắt ít tiết nước mắt hơn như thuốc chống trầm cảm, thuốc chẹn beta, thuốc lợi tiểu, thuốc kháng cholinergic, isotretinoin, thuốc corticosteroid và thuốc kháng histamine.
- Thiếu vitamin A: Làm giảm sản xuất nước mắt và gây ra bệnh khô mắt.
- Sử dụng máy tính và điện thoại: Nhìn màn hình nhiều làm giảm thời gian chớp mắt.
- Môi trường: Các yếu tố môi trường như gió, bụi, khói thuốc lá và điều hòa không khí có thể làm khô mắt.
- Sử dụng kính áp tròng: Việc đeo kính áp tròng trong thời gian dài có thể làm khô mắt.
Triệu chứng bệnh khô mắt
Bệnh khô mắt có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào mức độ và nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh khô mắt bao gồm:
- Khô, nóng rát hoặc ngứa ở mắt: Đây là triệu chứng chính của bệnh khô mắt.
- Đỏ mắt: Do bề mặt mắt bị khô và dễ bị tổn thương, mắt sẽ trở nên đỏ và kích ứng.
- Cảm giác có vật lạ trong mắt: Người bệnh sẽ cảm thấy như có cát, sạn hoặc vật lạ trong mắt, gây khó chịu và kích ứng.
- Mờ mắt: Khi mắt không có đủ nước mắt để duy trì độ ẩm, bề mặt mắt sẽ bị khô và dẫn đến tình trạng mờ mắt.
- Chảy nước mắt: Đây là cơ chế tự nhiên của cơ thể để bảo vệ mắt khỏi bị khô. Tuy nhiên, khi sản xuất nước mắt không đủ, cơ thể sẽ sản xuất quá nhiều nước mắt, dẫn đến tình trạng chảy nước mắt.
- Mỏi mắt: Bởi vì mắt không có đủ nước mắt để duy trì độ ẩm, các cơ liên quan đến việc nhìn sẽ phải làm việc vất vả hơn, gây ra cảm giác mỏi mắt.
- Nhìn mờ: Khi bề mặt mắt bị khô, bạn có thể cảm thấy mờ mắt hoặc khó nhìn rõ hơn.
- Triệu chứng khác: Khó khăn khi đọc, mí mắt nặng trĩu hoặc khó mở mắt.
Khô mắt nghiêm trọng có thể dẫn đến các biến chứng viêm giác mạc, loét hoặc sẹo giác mạc, suy giảm thị lực ảnh hưởng đến tầm nhìn. Do đó, người bệnh nên đi khám mắt thường xuyên và áp dụng thêm các biện pháp hạn chế tình trạng khô mắt.
Để hiểu thêm về các biểu hiện và ảnh hưởng của bệnh khô mắt, mời bạn tham khảo thêm video bên dưới đây:
Chẩn đoán khô mắt
Bác sĩ nhãn khoa sẽ chẩn đoán dựa trên triệu chứng, tiền sử bệnh, môi trường sống, làm việc của bệnh nhân kết hợp các kết quả khám bên ngoài nhãn cầu, số lần chớm mắt. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ đánh giá sự bất thường về số lượng và chất lượng nước mắt thông qua các bài test chuyên biệt (Schirmer test, TBUT test).
Điều trị bệnh khô mắt
Để điều trị bệnh khô mắt, bác sĩ có thể nước mắt nhân tạo để giảm triệu chứng khô mắt hoặc thuốc nhỏ mắt để giảm các triệu chứng kích ứng mắt, viêm bờ mi, nhiễm khuẩn mắt. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể áp dụng các biện pháp tự chăm sóc tại nhà như:
- Thay đổi môi trường sống: Nếu sống trong khí hậu khô hanh nên sử dụng thêm máy tạo độ ẩm để bổ sung hơi ẩm cho không gian sống.
- Tránh các tác nhân gây hại: Hạn chế tiếp xúc với gió, khói bụi, thuốc lá và hóa chất độc hại có thể giúp giảm triệu chứng khô mắt.
- Thay đổi lối sống: Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, giàu omega 3, uống đủ nước và ngủ đủ giấc cũng là những biện pháp hữu ích để giảm nguy cơ mắc bệnh khô mắt.
- Chườm ấm, massage mắt: Cách đơn giản để giúp thư giãn cơ vùng mắt và tăng lưu thông máu.
- Cho mắt nghỉ ngơi: Nên cho mắt nghỉ ngơi 20 giây sau 20 phút làm việc với máy tính, thiết bị điện tử.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa