Nhiệt miệng
Nhiệt miệng là gì?
Nhiệt miệng hay loét miệng là tình trạng niêm mạc miệng có những vết loét hình tròn hoặc bầu dục, màu trắng hoặc vàng ở trung tâm, viêm đỏ xung quanh. Những vết loét này có thể xuất hiện ở bất kỳ nơi nào trong miệng, bao gồm má trong, lưỡi, lợi, vòm miệng và gây ra cảm giác đau rát, khó chịu. Nhiệt miệng thường lành trong vòng 1-2 tuần mà không để lại sẹo.
Nguyên nhân gây nhiệt miệng
Nhiệt miệng thường do nhiều nguyên nhân như vi khuẩn, virus hoặc tổn thương do cắn hay nghiến răng. Cụ thể:
- Tổn thương lớp niêm mạc bên trong miệng: Điều này xảy ra có thể do vô tình khi ăn cắn phải má hoặc lưỡi, nhai phải thức ăn quá cứng hoặc quá nóng, cọ xát vào răng giả, mắc cài (niềng răng).
- Nhiễm virus hoặc vi khuẩn: Virus herpes simplex, Virus varicella-zoster (gây ra thủy đậu và zona), vi khuẩn Streptococcus mutans (gây ra sâu răng)
- Vệ sinh răng miệng không đúng cách: Tăng tích tụ vi khuẩn gây hại.
- Di truyền: Những người có tiền sử gia đình bị nhiệt miệng có nguy cơ phát triển tình trạng này cao hơn.
- Nội tiết tố: Nhiệt miệng có thể liên quan đến thay đổi nội tiết tố, thường xảy ra trong thời kỳ mang thai, tiền kinh nguyệt, tiền mãn kinh, mãn kinh.
- Thiếu hụt dinh dưỡng: Thiếu vitamin B12, sắt, folate,... thường gây ra các vấn đề liên quan đến miệng và lưỡi.
- Stress: Căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi có thể làm tăng nguy cơ phát triển nhiệt miệng.
- Bệnh lý: Người mắc một số bệnh lý như Crohn, Celiac, Behcet, Lupus ban đỏ, viêm khớp phản ứng thường có nguy cơ bị nhiệt miệng cao.
Triệu chứng của nhiệt miệng
Loét miệng thường dễ phát hiện thông qua một số triệu chứng phổ biến như sau:
- Xuất hiện một hoặc nhiều vết loét sưng đỏ ở niêm mạc miệng, trung tâm vết loét có màu vàng, trắng hoặc xám.
- Cảm giác đau nhức tăng lên khi ăn thức ăn mặn, chua, cay hoặc đánh răng.
Điều trị nhiệt miệng
Hầu hết các vết loét đều vô hại và có thể tự khỏi sau một thời gian. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài hơn 2 tuần hoặc kèm sốt, sưng hạch bạch huyết, nhiễm trùng, hãy đến gặp bác sĩ để được xác định rõ nguyên nhân và các điều trị hiệu quả.
Điều trị nhiệt miệng dùng thuốc
Bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng một số thuốc uống giảm đau không kê đơn (Paracetamol, Ibuprofen), thuốc kháng viêm corticosteroid, thuốc kháng nấm (Nystatin, Fluconazole), thuốc kháng sinh (Cotrimoxazol), viên uống bổ sung vitamin để giảm bớt tình trạng các triệu chứng khó chịu của loét miệng và giải quyết một số tình trạng loét miệng bội nhiễm, loét miệng do virus, nấm, thiếu hụt vi chất
Ngoài thuốc uống, một thuốc bôi tại chỗ chứa hoạt chất gây tê (Benzocaine, Lidocain), hoạt chất kháng viêm, giảm đau (Triamcinolone acetonide 0,1%), hoạt chất kháng khuẩn (Chlorhexidine digluconate) hoặc các dạng thuốc xịt cũng được sử dụng để giảm đau, giảm viêm tại chỗ.
Điều trị nhiệt miệng không dùng thuốc
- Nên ăn thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa, hạn chế ăn thức ăn cay nóng hoặc có tính axit cho đến khi vết loét lành lại.
- Uống nhiều nước và có thể sử dụng thêm các loại nước uống có tính mát (rau má, diếp cá, sắn dây,...)
- Vệ sinh răng miệng đúng cách, đánh răng ít nhất 2 lần một ngày.
- Sử dụng chỉ nha khoa hàng ngày, vệ sinh lưỡi thường xuyên.
- Sử dụng nước súc miệng có tính kháng khuẩn, kháng viêm hoặc chứa chiết xuất thảo dược tự nhiên, không chứa cồn, không quá cay. Ví dụ: Nước súc miệng Homaz One, Nước súc miệng SMC AG+, Nước súc miệng Thái Dương Valentine.
- Thư giãn và tránh căng thẳng có thể giúp giảm nguy cơ phát triển nhiệt miệng.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.