Viêm nha chu
Viêm nha chu là gì?
Viêm nha chu là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở nha chu (các mô nâng đỡ của răng). Nếu không được điều trị, tình trạng nhiễm khuẩn sẽ xâm nhập vào các mô sâu hơn, gây phá hủy xương nâng đỡ răng, làm cho răng lung lay, dễ gãy.
Nguyên nhân viêm nha chu
Tác nhân chính được xác định gây ra bệnh viêm nha chu là do tích tụ mảng bám, cao răng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển trên bề mặt răng. Bên cạnh đó, các yếu tố liên quan đến bệnh lý di truyền, hút thuốc, thay đổi nội tiết, sử dụng thuốc cũng góp phần thúc đẩy phát triển bệnh.
Mảng bám và cao răng
- Mảng bám răng: Đây là lớp màng sinh học phức tạp giúp bảo vệ vi khuẩn trước các tác nhân kháng khuẩn. Mảng bám được hình thành trên răng mỗi ngày với nhiều loại vi khuẩn sinh sống.
- Cao răng: Mảng bám cứng lại do khoáng chất trong nước bọt. Vi khuẩn trong mảng bám và cao răng sản xuất các độc tố tấn công nướu và xương ổ răng.

Các yếu tố nguy cơ khác
- Vệ sinh răng miệng kém: Tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và bám lại trên bề mặt răng, kẽ răng.
- Bệnh lý di truyền: Một số bệnh lý di truyền như thiểu sản men răng, hình thái răng không tốt,... khiến cho răng dễ bị nhiễm khuẩn.
- Hút thuốc lá thường xuyên: Làm giảm lưu lượng máu nướu, giảm chức năng bạch cầu, giảm khả năng làm lành vết thương, tăng sản xuất các chất viêm, tăng phân hủy mô.
- Bệnh tiểu đường: Lượng đường trong máu cao sẽ thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn gây ra các bệnh nướu răng.
- Suy giảm miễn dịch: Bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch thường có nguy cơ mắc viêm nha chu cao hơn.
- Thay đổi nội tiết tố ở tuổi dậy thì, thời kỳ mang thai và mãn kinh: Điều này cũng có thể khiến cho nướu dễ bị sưng viêm, chảy máu hơn bình thường.
- Sử dụng thuốc tránh thai, thuốc chống co giật và thuốc ức chế miễn dịch.
Dấu hiệu, triệu chứng viêm nha chu
Viêm nướu
Đây là giai đoạn đầu tiên của bệnh nha chu, xảy ra do vôi răng và sự tích tụ mảng bám trên nướu răng.
Viêm nha chu mức độ nhẹ
Nướu bị sưng đỏ, viêm lan xuống tổ chức quanh răng, dễ chảy máu khi có tác động từ bên ngoài (đánh răng, xỉa răng, chạm vào phần môi má gần răng), có thể kèm theo hôi miệng.
Viêm nha chu mức độ trung bình
Nướu bị tụt xuống, để lộ chân răng, khi ấn vào nướu có thể có mủ chảy ra. Răng có thể trở nên lung lay.
Viêm nha chu mức độ nặng
Nướu bị phá hủy nghiêm trọng. Xương ổ răng bị tiêu xương, dẫn đến răng lung lay dữ dội. Có thể bị mất răng.
Biến chứng viêm nha chu
- Mất răng: Bệnh nha chu là nguyên nhân hàng đầu gây mất răng ở người lớn.
- Các vấn đề về sức khỏe tim mạch: Người bị bệnh nha chu có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn.
- Đột quỵ: Người bị bệnh nha chu có nguy cơ đột quỵ cao hơn.
- Bệnh tiểu đường: Bệnh nha chu làm tình trạng bệnh tiểu đường trở nên tồi tệ hơn.
- Sinh non và trẻ nhẹ cân: Nếu phụ nữ mang thai bị bệnh nha chu có nguy cơ sinh non và trẻ nhẹ cân cao hơn.
Chẩn đoán viêm nha chu
Trước hết, bác sĩ nha khoa sẽ thăm khám và hỏi về các dấu hiệu liên quan đến sức khỏe của nướu răng mà bệnh nhân đang gặp phải. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra mức độ tích tụ của mảng bám, xem xét tình trạng của khớp cắn, kiểm tra tình trạng tụt nướu và đo độ sâu túi thăm dò nha chu.
Ngoài ra, để có cái nhìn rõ ràng hơn về tình hình sức khỏe răng miệng, bệnh nhân cũng sẽ được thực hiện chụp X-quang để hiển thị chi tiết về các vùng bị mất xương, giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Điều trị viêm nha chu
Giai đoạn viêm lợi
- Vệ sinh răng miệng đúng cách, bao gồm đánh răng hai lần một ngày và dùng chỉ nha khoa ít nhất một lần một ngày.
- Sử dụng kem đánh răng có chứa fluoride và nước súc miệng có tính kháng khuẩn.
- Có thể sử dụng thêm máy tăm nước để loại bỏ mảng tốt hơn.
- Hạn chế ăn đồ ăn và đồ uống có đường.
- Đi khám nha sĩ thường xuyên để kiểm tra và làm sạch răng.
Giai đoạn nha chu nhẹ & trung bình
- Cạo vôi răng và làm sạch gốc răng để loại bỏ mảng bám và cao răng.
- Phẫu thuật ghép nướu để tái tạo mô nướu bị mất.
- Ở mức độ viêm nha chu trung bình có thể cần phẫu thuật thu nhỏ túi nha chu để loại bỏ mảng bám và cao răng nằm sâu bên trong nướu mà vệ sinh răng thông thường không thể chạm tới được.
Giai đoạn nha chu nặng
- Phẫu thuật lật vạt (lật nướu) để loại bỏ hết cao răng, túi bị nhiễm trùng.
- Tái tạo mô có hướng dẫn (GRT) giúp tái tạo mô nha chu bị mất, bao gồm cả dây chằng, xương và bề mặt chân răng.
- Phẫu thuật ghép nướu để hạn chế tình trạng tụt nướu, làm lộ chân răng.
- Phẫu thuật ghép xương để thay thế xương ổ răng bị mất.
- Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) sử dụng để tái tạo xương hoặc mô nướu.
- Rút răng nếu răng bị hư hỏng nặng, sau đó cấy ghép implant.
Phòng bệnh nha chu
Trừ các trường hợp viêm nha chu bị do bệnh lý di truyền hoặc bệnh lý liên quan khác, bạn có thể ngăn ngừa bệnh nướu răng bằng cách vệ sinh răng miệng đúng cách, dùng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng, định kỳ đi khám kiểm tra răng. Đối với các trường hợp hình thái răng không tốt, răng mọc lệch lạc có thể tham khảo thêm ý kiến bác sĩ về việc niềng răng để giúp cho quá trình vệ sinh răng tốt hơn.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.